Tỉnh Bình Dương ghi nhận 87 ca mắc COVID-19. Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 635 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Cụ thể, buổi chiều ghi nhận 76 ca, buổi sáng tỉnh Bình Dương ghi nhận 11 ca mắc COVID-19.
Trong số 76 ca mắc mới ghi nhận chiều 4/7, có 67 ca ở khu cách ly, 01 ca ở khu phong tỏa; 03 ca tại công ty; 05 ca phát hiện tại cơ sở y tế. Các ca này liên quan đến ổ dịch tại Công ty Wanek 2: 58 ca; Công ty Hansol Vina: 04 ca; liên quan lây nhiễm từ Hồ Chí Minh: 08 ca; Công ty Puku: 01 ca; Công ty Việt Nam House Wares: 02 ca; Công ty Spartronic: 02 ca; khai báo y tế: 01 ca (Dĩ An, chưa rõ nguồn lây).
Về địa chỉ cư trú, có 18 ca mắc cư trú ở phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một); phường Lái Thiêu, Thuận Giao, An Phú, Bình Chuẩn (TP.Thuận An); phường Dĩ An (TP.Dĩ An); phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh); 58 ca mắc của Công ty Wanek 2 đang xác định địa chỉ cư trú.
Trước đó, sáng 4/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận 11 ca mắc COVID-19. Trong số 11 ca mắc mới có 04 ca ở khu cách ly, 02 ca ở khu phong tỏa; 05 ca phát hiện tại cơ sở y tế. Cụ thể, liên quan đến ổ dịch tại Công ty Hansol Vina: 02 ca; các chuỗi lây nhiễm từ TP.Hồ Chí Minh: 05 ca; ca bệnh tự đi khai báo y tế chưa rõ nguồn lây: 04 ca.
Các bệnh nhân có địa chỉ cư trú: 08 ca tại TP.Dĩ An (phường Tân Đông Hiệp, phường An Bình, phường Dĩ An, phường Tân Bình); 02 ca tại phường Thới Hòa và phường Tân Định, TX. Bến Cát; 01 ca ở phường Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 635 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Số bệnh nhân đang điều trị là 632 trường hợp (bệnh nhân lớn tuổi nhất 78 tuổi, nhỏ tuổi nhất 6 tháng tuổi, có 03 bệnh nhân nặng phải thở máy, 03 bệnh nhân thở oxy).
Ngành y tế Bình Dương nhận định, Bình Dương là địa phương có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân và lây sang các công ty khác, do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời.
Số ca mắc COVID-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng rất nhanh, chuyển qua cấp độ 5 (hơn 300 ca), do đó báo động dịch lên mức cao nhất để tập trung biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.
Hiện nay, Bình Dương đang tập trung nguồn lực để khống chế ổ dịch tại Công ty Wanek 2 và Công ty Cổ phần đồ dùng gia đình House Wares. Tổ chức lấy mẫu sàng lọc 1 triệu dân tại các khu vực nguy cơ cao.
Đồng thời, tỉnh thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo; nâng số giường cách ly lên 20.000 – 30.000 giường.
Bình Dương cũng nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, khả năng đáp ứng 1.000 bệnh nhân. Tập trung nâng cao năng lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, trước mắt triển khai tiêm 20.000 liều vaccine đợt 4 và lập kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho công nhân (khoảng 1 triệu liều).
Về tình hình điều trị, ngày 4/7, Bình Dương ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo Sở Y tế Bình Dương, bệnh nhân tử vong là nữ (BN13803), 64 tuổi, địa chỉ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một. Bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 và đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị từ ngày 23/6, sau 11 ngày điều trị tích cực, hội chẩn thường xuyên với Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn diễn biến nặng, đến 12h20’ ngày 4/7 bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán: Choáng nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi do Acinetobacter baumanni, COVID-19 mức độ nguy kịch (chẩn đoán xác định bằng PCR), suy tim, rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm.
Thực hiện công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, lực lượng chức năng Bình Dương đề nghị mọi người dân cần chủ động và nâng cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh, cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm thông điệp 5K “KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ”.
Thứ hai, khi có các triệu chứng về bệnh đường hô hấp như: Sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở… đến ngay trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Thứ ba, đề nghị các Tổ COVID-19 cộng đồng tăng cường hoạt động để phát hiện sớm người có các triệu chứng: Sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở… xử trí kịp thời không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Thứ tư, các địa phương đang áp dụng các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh.