Nội dung
Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) mới đây đã tiếp tục vinh danh tỉnh Bình Dương trong danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu nhất thế giới.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Bình Dương giữ vững được thành tích này. Bình Dương là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách “Smart 21”, gồm những thành phố, khu vực uy tín trên thế giới. Những “bí quyết” nào đã giúp Bình Dương được cộng đồng quốc tế đánh giá cao?
Chủ trương cụ thể xây dựng “vùng đổi mới sáng tạo
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương (nhiệm kỳ 2020 – 2025), các nội dung của đề án xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được đưa vào nghị quyết của đại hội, các chương trình phát triển đột phá của tỉnh thời gian tới.
Trước thềm Đại hội, một hội thảo với sự tham dự đông đảo của các cán bộ chủ chốt của tỉnh, các chuyên gia quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp…đã cùng lắng nghe, thảo luận các ý tưởng, giải pháp phát triển vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy (hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam chủ trì) thống nhất chủ trương về việc xây dựng “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, bao gồm cả quy hoạch khu công nghiệp KHCN tại huyện Bàu Bàng. Theo đó, “vùng đổi mới sáng tạo” được xác định là đề án trọng tâm của đề án “thành phố thông minh Bình Dương” trong giai đoạn tiếp theo.
5 nhóm nhiệm vụ phát triển vùng đổi mới sáng tạo đã được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất, chỉ đạo gồm: 1. Về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 2. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; 3. Phát triển cân bằng nền kinh tế; 4. Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, chính phủ số, thương mại điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh; 5. Phát triển và thu hút nguồn nhân lực.
Đối với mỗi nhóm nhiệm vụ, Thường trực Tỉnh ủy đều có những định hướng rõ ràng, vừa nêu định hướng chiến lược, tổng thể, nhưng cũng chỉ ra khá rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển.
Tiêu biểu như với nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, Tỉnh ủy Bình Dương xác định ứng dụng mô hình TOD, phát triển chuỗi đô thị gắn liền với giao thông công cộng, giao thông kết nối vùng; tiếp tục củng cố các trục giao thông đường bộ, nhưng cũng đồng thời định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như: đường thủy, đường sắt, phát triển logistics thông minh…
“Vùng đổi mới sáng tạo đánh dấu một bước phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc. Đó là việc chuyển dịch từ thu hút đầu tư thông thường sang thu hút đầu tư công nghệ cao, có giá trị gia tăng, nâng cao năng suất…
Qua đó nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế và tạo tiền đề để nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân. Những ý tưởng, kế hoạch để triển khai đề án chính là những bước cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống”, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – cho biết.
Những dự án thành hiện thực
Thêm một tin vui những ngày đầu năm, đồng thời là minh chứng lý giải vì sao Bình Dương được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đó là mới đây “Trung tâm triển lãm Quốc tế thành phố mới Bình Dương” (WTC EXPO) đã chính thức được hoàn thành, sẵn sàng tổ chức các hoạt động triển lãm, thương mại, hội nghị hội thảo, các chương trình giao lưu với quy mô, tầm cỡ quốc tế.
Vượt qua những tiêu chí khó
Việc vinh danh các thành phố có chiến lược phát triển thông minh được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đánh giá khách quan, với những tiêu chí khắt khe cả định lượng và định tính.
Bên cạnh các chiến lược phát triển thành phố thông minh rõ ràng dựa trên mối liên kết “ba nhà”: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường, viện nghiên cứu, thì tỉnh Bình Dương còn được ICF đánh giá cao về các tiêu chí cụ thể như: sự phát triển của hạ tầng internet băng thông rộng, lực lượng lao động tri thức, tính đổi mới, sự bình đẳng khi tiếp cận công nghệ số…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong ba tháng đầu năm, với nhiều sự nỗ lực đồng bộ, tỉnh đã giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh giúp phát triển kinh tế – xã hội. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ đầu năm tới 15-3 đã thu hút được 407 triệu USD, lũy kế toàn tỉnh có 3.955 dự án FDI với tổng vốn 35,8 tỉ USD.