Outline
ToggleBiến thể có nhiều đột biến B.1.1.529 của SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên chính thức là Omicron. Đây là biến thể đáng quan ngại, nhiều bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm của người mắc biến thể này cao hơn các biến thể khác.
Trong thông báo rạng sáng 27-11 (giờ Việt Nam) của WHO nêu rõ : “Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19, WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron“
Omicron nguy hiểm như thế nào ?
Theo trang web của WHO truy cập sáng 27-11, Omicron là biến thể đáng lo ngại thứ năm theo phân loại của WHO, sau các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.
“Biến thể này có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác”, thông báo của WHO nêu rõ.
Tổ chức này tỏ ra thận trọng khi chú thích các ghi nhận sớm nhất về ca mắc Omicron xuất hiện tại nhiều nước, không xác định nguồn gốc tại một nước cụ thể.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây lo ngại và báo động toàn cầu vì số lượng đột biến nhiều vượt trội so với các biến thể nguy hiểm trước đó như Delta, Beta và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Giới khoa học lo ngại số lượng đột biến sẽ tác động đến cách thức hoạt động của virus, khiến nó dễ lây lan và lẩn tránh được hệ miễn dịch của con người.
Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện được biến thể mới này.
Giáo sư Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm đổi mới và ứng phó dịch tễ ở Nam Phi, cho biết biến thể B.1.1.529 có tổng thể 50 đột biến, trong đó có đến hơn 30 đột biến trong protein gai. Protein gai là phần mà hầu hết các loại vắc xin Covid 19 hiện tại sử dụng và là yếu tố giúp vi rút “mở khóa” xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người.
Ngoài ra, có đến 10 đột biến trên phần vùng liên kết thụ thể của biến thể (phần vi rút tiếp xúc đầu tiên với tế bào của cơ thể chúng ta), so với chỉ 2 đột biến ở biến thể Delta đang càn quét khắp thế giới.
Có nhiều suy đoán về nguồn gốc của biến thể mới. Trang BBC trích lời Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL (trụ sở tại London, Anh), nhận định trong một cuộc họp báo mới đây rằng biến thể mới này có thể xuất phát từ một bệnh nhiễm trùng mãn tính ở bệnh nhân đã bị suy giảm miễn dịch, và rất có thể đó là một bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.
Vắc-xin có hiệu quả với biến thể Omicron ?
Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh trước đó giải thích Omicron có một protein đột biến khác biệt lớn, làm dấy lên lo ngại các loại vắc xin hiện tại không phát huy hiệu quả.
Về vấn đề này, hãng dược BioNTech và Pfizer tuyên bố sẽ có nghiên cứu và kết luận trong vòng vài tuần tới.
Hãng dược Moderna của Mỹ cũng lập tức ra tuyên bố tương tự, trong đó cam kết sẽ phát triển một mũi tiêm tăng cường mới để ứng phó biến thể Omicron, theo Hãng tin AFP.
AstraZeneca xác nhận đang kiểm tra tác động của Omicron đối với vắc xin và thuốc trị COVID-19 của hãng, nhấn mạnh hy vọng vắc xin và thuốc sẽ tiếp tục khắc chế được biến thể mới.
Hiện biến chủng Omicron đã lây lan sang Bỉ, Israel, Hong Kong, Australia. Nhiều nước như Mỹ, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, và Thái Lan áp đặt các hạn chế với các nước phía Nam châu Phi.
Theo WHO, ngay cả sau khi tiêm chủng ngừa, cộng đồng vẫn nên duy trì các biện pháp phòng ngừa, tránh để lây lan Covid-19 cho người khác, đặc biệt nhóm dễ chuyển nặng sau khi mắc bệnh.
Việt Nam đang làm gì để đối phó với biến chủng Omicron ?
Bộ Y tế tối 28/11 cho biết giám sát dịch tễ của nCoV tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng Omicron, song đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ phía Nam châu Phi.
Bộ cũng cho biết Việt Nam đang chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới. Hệ thống giám sát dịch đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Theo Thanh Niên, Vnnexpress, WHO